twitter
rss

Kiến ba khoang đang vào mùa và xuất hiện nhiều nơi khiến không ít gia đình mất ăn, mất ngủ. Theo các chuyên gia y tế, đã có bệnh nhân bị phồng, lở loét da, thậm chí mù tạm thời khi bị kiến ba khoang.


Kết quả hình ảnh cho phòng tránh kiến ba khoang
Khi da bị chất độc kiến làm tổn thương gây khó chịu không nên cào, gãi lên vết thương càng làm da bị bội nhiễm tạo thành mủ, sốt. Ảnh: TG
Có thể bị mù tạm thời
Gia đình ông Trần Văn Vịnh (ở Dương Nội, Hà Đông) mấy ngày nay "ăn không ngon ngủ không yên" vì kiến từ đâu bay đến đầy nhà. Nhà có 5 người thì 3 người bị đốt. Riêng con dâu ông bị nặng nhất với những vết phồng rộp lan rộng ở vùng mặt và cổ gây đau rát khó chịu. 
Chả là do thấy kiến ba khoang trên người chị lại dùng tay giết kiến. Chỗ ấy sưng rộp lên rồi lan ra đến tận cổ. Chị dùng nước mát chườm lên cho đỡ rát, tự mua thuốc về bôi. Sau mấy hôm không khỏi, nghĩ mình bị zona nên nhai hạt đậu xanh đắp lên. 
Không ngờ vết bỏng sưng phồng, tấy đỏ khiến chị phát sốt và vết thương bị nhiễm trùng do đắp bã hạt đậu xanh.
Căn hộ của chị Phạm Thị Trang ở chung cư CT2 Xa La, Hà Đông cũng đang bị kiến ba khoang tấn công. Không hiểu từ đâu kiến xuất hiện đầy nhà khiến chị Trang bị phát hoảng. 
Mặc dù đã dùng các loại bình xị côn trùng đuổi kiến nhưng rồi chị Trang vẫn bị đốt. Chị Trang chia sẻ: “Khi thấy ở gần tai buồn buồn, ngứa ngứa chị quờ tay đập nhẹ mới hay đã giết một con kiến ba khoang. 
Sau không cẩn thận, tay chị lại quệt lên mặt khiến mặt bị ngứa ngáy, bỏng rát, tổn thương lan rộng trên mặt. Hơn một tuần nay dù bôi thuốc, da của chị vẫn chưa lành.
Theo tìm hiểu của PV, hiện các bệnh viện da liễu thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt vào khám. BS Đinh Doãn Thạch, Khoa Điều trị tổng hợp cơ sở 2 (Bệnh viện Da liễu Hà Nội) cho biết, đang vào mùa kiến ba khoang nên lượng bệnh nhân nhập viện vì độc tăng mạnh. 
Nhẹ chỉ ngứa rát, nặng có người sưng, phồng rộp nhiễm trùng, điều trị hàng tuần mới khỏi. Có trường hợp, bệnh nhân bị độc tố dính vào mắt, gây bỏng mắt khiến bị mù tạm thời.
Khi bị kiến ba khoang đốt sẽ có cảm giác ngứa rát, sau 6-12 giờ tạo thành rát đỏ, trên bề mặt có mụn nước li ti hay bọng nước dễ vỡ. Vùng da đỏ sẽ lan rộng, diện tích lớn hay nhỏ phụ thuộc lượng độc tố từ kiến ba khoang tiếp xúc với da và phản ứng của viêm da tiếp xúc nhẹ hay mạnh.
Theo TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều người bệnh cứ thấy có mụn phồng rộp, đỏ là nghĩ đến bệnh zona, tự đi mua thuốc, thường là Acyclovir (thuốc kháng virus). 
Điều này làm tổn thương càng đỏ hơn, nặng thì biến chứng nhiễm trùng. Triệu chứng của hai cái giống nhau là đau rát và viêm da bọng nước. 
Tuy nhiên, với bệnh zona thường chỉ bị một nửa người, không bao giờ bị cả hai nửa người; còn kiến ba khoang đốt thì bị cả hai nơi, hoặc bị nhiều nơi. Nếu điều trị đúng chỉ sau vài ngày là sẽ khỏi, ngược lại có thể để lại sẹo.
Những sai lầm khiến vết phỏng tăng nặng
BS Đinh Doãn Thạch cho hay, kiến ba khoang thường bay vào nhà sau 18h tối, khi có ánh đèn hoặc bám vào quần áo ngoài dây phơi, nếu không để ý rất dễ bị đốt.
Một sai lầm thường gặp nhất là nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong nhà, thường mọi người theo phản xạ dùng tay giết chết, chà xát chúng. 
Điều này vô tình gây hại cho bản thân. Bởi độc tố pederin - chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da của kiến ba khoang có trong thân kiến khi đập giết chúng làm chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài dính vào da người gây bệnh tại vùng da đó.
Tốt nhất nên thổi chúng ra xa hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên lấy nó ra khỏi người. Vùng da tiếp xúc với côn trùng này phải rửa sạch. 
Nếu bạn lỡ tay đập hoặc chà xát trên da cần nhanh chóng rửa chỗ tiếp xúc qua nước lạnh sạch hoặc nước muỗi loãng, dùng bông gạc mềm thấm nhẹ để làm loãng và trôi tiết dịch của côn trùng.
Còn nữa, khi da bị chất độc kiến làm tổn thương gây khó chịu mọi người thường cào, gãi lên vết thương càng làm da bị bội nhiễm tạo thành mủ, sốt. Một số trường hợp lại tự mua thuốc để bôi vì nhầm tổn thương là bị zona. 
Điều này không nên vì có những loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid, chất giải độc tố… Có người bôi quá nhiều acyclovir đến mức làm loét da, tổn thương sâu hơn hay đắp bã hạt đậu xanh làm da nhiễm trùng nặng. Việc điều trị lúc này sẽ lâu hơn.
TS.BS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, khi chẳng may kiến ba khoang đốt cần sơ cứu ngay bằng cách rửa vết đốt bằng cồn 70, 90 độ, Betadine. 
Nếu không có cồn nên rửa sạch bằng nước vài lần rồi xịt nước hoa vào. Khi rửa kỹ vết thương do kiến ba khoang gây ra sẽ giảm tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này. 
Sau đó có thể sử dụng thuốc điều trị kiến ba khoang đốt như sau: 1. Milian: 1 lọ, bôi ngày 2 lần/ 2. Hồ nước: 1 lọ, bôi ngày 2 lần/ 3. Fobancort: 1 tube, bôi ngày 4 lần/ 4. Clarytine 10mg: 5 viên, ngày 1 viên. Nếu không có Milian có thể thay bằng dung dịch Castellani, Betadine.
Theo các nhà khoa học tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa mật độ kiến 3 khoang thường nhiều hơn so với các tháng khác. 
Vào thời điểm này nên hạn chế bật đèn neon, đèn có ánh sáng xanh. Có thể bật đèn ban công để hút côn trùng chỗ đó, giảm bớt mật độ bay vào nhà. Trong nhà nên thắp đèn có ánh sáng vàng, đỏ.
Để tránh kiến ba khoang vào nhà, các gia đình lưu ý: Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào; Nên ngủ trong màn; Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này. Đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương…
Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng. 
Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: 
Mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng. 
Cứ 4-6 tháng xịt thuốc diệt côn trùng, kiến, muỗi, gián một lần. 
Quần áo phơi phóng xong trước khi cất hay mặc cần giũ mạnh để loại bỏ kiến bám.

Nguồn: http://soha.vn/mat-an-mat-ngu-vi-kien-ba-khoang-20161022232721627.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét